Những điểm mới của Luật căn cước công dân

Những điểm mới của Luật căn cước công dân

Những điểm mới của Luật căn cước công dân

Những điểm mới của Luật căn cước công dân

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã chính thức ban hành Luật Căn cước 2023 thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014, nhằm sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập và luật hóa các quy định quan trọng cho phù hợp với Hiến pháp 2013. Cùng HPT Consulting điểm qua những điều cần lưu ý nhé!

1.  Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành Căn cước

Cùng với việc đổi tên Luật CCCD thành Luật Căn cước thì tên thẻ CCCD cũng được đổi thành thẻ Căn cước cho ngắn gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giải thích về sự thay đổi này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho biết, tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

2.  Người dân có phải đổi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước không?

Với sự thay đổi tên gọi như trên thì việc có cần phải đổi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước hay không là vấn đề rất được quan tâm. Để giải đáp thắc mắc này, khoản 1 Điều 46 Luật Căn cước 2023 đã quy định:

“Điều 46. Quy định chuyển tiếp

1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.”

Như vậy, bởi vì Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, cho nên:

- Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ; nếu thẻ CCCD hết hạn sử dụng từ 15/1/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết 30/6/2024.

- Nếu người dân có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.

3. Chứng minh nhân dân bị khai tử từ 01/01/2025

Khoản 2 Điều 46 Luật căn cước 2023 có quy định: “Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.”.

Như vậy, Giấy CMND chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết. Do đó, người dân chưa đổi sang thẻ CCCD thì cần phải thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD càng sớm càng tốt hoặc đợi đến ngày thẻ Căn cước được ban hành thì người dân có thể đổi sang thẻ Căn cước mới.

4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ Căn cước

Theo nội dung khoản 2 Điều 18 Luật Căn cước 2023 quy định về nội dung thể hiện trên mặt thẻ Căn cước, có thể thấy, so với quy định của Luật CCCD 2014, Luật mới đã bỏ mục thông tin về quê quán, thay vào đó là nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh và nơi cư trú; Luật cũng bỏ hiển thị thông tin về vân tay và đặc điểm nhận dạng.

“Điều 18. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước

2. Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi đăng ký khai sinh;

k) Quốc tịch;

l) Nơi cư trú;

m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

n) Nơi cấp: Bộ Công an.”

5. Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi

Khoản 3 Điều 19 Luật Căn cước 2023 đã bổ sung thêm một đối tượng được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu cấp thẻ.

“Điều 19. Người được cấp thẻ căn cước

3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.”

6. Bổ sung giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch

Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước 2023 nêu định nghĩa về giấy chứng nhận căn cước như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

12. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.”.

Thông tin cụ thể về loại giấy tờ này được nêu rõ tại Điều 30 của Luật:

“Điều 30. Giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

1. Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

2. Nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm:

a) Thu thập thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;

b) Cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;

c) Xác lập số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;

d) Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại giấy chứng nhận căn cước.

3. Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt, vân tay;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi sinh;

k) Quê quán;

l) Dân tộc;

m) Tôn giáo;

n) Tình trạng hôn nhân;

o) Nơi ở hiện tại;

p) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ;

q) Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;

r) Thời hạn sử dụng.

4. Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;

b) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

5. Giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

a) Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

c) Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước. Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu giấy chứng nhận căn cước.”

7. Cung cấp căn cước điện tử cho người dân từ 1/7/2024

Một trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Theo đó, Điều 31 Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử.

Sau khi đã có Căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước hoặc ứng dụng VNeID.

8. Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải cung cấp thông tin mống mắt

 Khoa học hiện nay đã chứng minh, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Điều 15 Luật Căn cước 2023 đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, đồng thời hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người:

“Điều 15. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

3. Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.”.

Trên đây là những thay đổi của Luật Căn cước công dân mới nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý khách hàng vui lòng liên hệ với HPT Consulting để được giải đáp.

can cuoc cong dan, căn cước công dân, căn cước điện tử, nhận diện mống mắt, nhan dien mong mat, bỏ chứng minh nhân dân, chứng minh nhân dân hết hiệu lực, hiệu lực của chứng minh nhân dân, bỏ thông tin quê quán trên căn cước công dân, bỏ dấu vân tay trên căn cước công dân

CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING

Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng

Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068​.683 - 0935.564.068

Chia sẻ: