NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10.10

NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10.10

NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10.10

NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10.10

Vào thế kỷ V trước công nguyên, trong nhà nước Hy Lạp cổ đại, một Hội đồng xét xử đã được hình thành và việc xét xử có sự tham gia của người dân. Nguyên cáo hoặc bị cáo có thể tự trình bày ý kiến, lý lẽ của mình trước Hội đồng hoặc nhờ người khác có tài hùng biện biện hộ thay cho mình trước Hội đồng. Vào thời kỳ này, việc bào chữa xuất phát tự nhiên nhằm minh oan cho bản thân, gia đình, bạn bè bị chính quyền bắt giam, trừng phạt vô căn cứ, đặt nền móng cho nghề luật sư phát triển sau này.

Ở La mã cổ đại, từ thế kỷ thứ IV trước công nguyên, chế độ bào chữa đã bắt đầu phát triển. Trong xã hội lúc bấy giờ đã hình thành một nhóm người chuyên sâu, am hiểu về pháp luật và có khả năng vận dụng pháp luật vào việc giải thích một vấn đề cụ thể. Từ thế kỷ thứ I trước công nguyên đến thế kỷ thứ II sau công nguyên, trong xã hội đã xuất hiện một đội ngũ là những chuyên gia có tài hùng biện và sự hiểu biết của mình về cổ luật để bênh vực cho những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là những người thấp cổ bé họng và phụ nữ bị ngược đãi. Họ được gọi là “Advocatus (người biện hộ hay luật sư sau này) và từ đó hoạt động của các Advocatus được xã hội chấp nhận và uy tín của họ trong xã hội ngày càng cao. Vào giai đoạn này, nghề luật sư được xem như một nghề vinh quang và cao quý trong xã hội, những người luật sư được tôn vinh như những hiệp sĩ.

Trải qua hàng thế kỷ, nghề luật sư được tổ chức ngày một chặt chẽ và thể hiện được vai trò to lớn của mình, dần dần trở thành một nghề tự do. Hiện nay, tại các nước phát triển, nghề luật sư lại càng được trân trọng. Ở Mỹ, rất nhiều vị tổng thống xuất thân từ luật sư như John Adams, Thomas Jefferson, John Quicy Adams, Abraham Lincoln, Franklin D. Roosevelt, Barack Obama.

Tại Việt Nam, nghề luật sư đã có một bề dày lịch sử, trải qua quá trình hình thành và phát triển từ khi bị chế độ thực dân Pháp đô hộ đến giai đoạn hòa bình và phát triển như hiện nay. Sau khi xâm lược Nam Kỳ, ngày 25.07.1864 thực dân Pháp đã ban hành Sắc lệnh áp dụng Bộ luật Napoleon của Pháp, thừa nhận chế định luật sư của Pháp tại Đông Dương. Năm 1884, Toàn quyền Pháp tại Việt Nam đã ký sắc lệnh thành lập Luật sư Đoàn tại Sài Gòn  (Hồ Chí Minh sau này) và Hà Nội quy định về việc các luật sư là người Pháp và người Việt có quốc tịch Pháp được quyền biện hộ trước Tòa án Pháp cho người Pháp hoặc người Việt Nam quốc tịch Pháp. Đến năm 1911, Chính quyền Pháp mở rộng quy định cho phép người không phải quốc tịch Pháp cũng có quyền được làm luật sư, tuy nhiên trong giai đoạn này các luật sư Pháp vẫn độc quyền làm nghề bào chữa. Với sắc lệnh ngày 25.05.1930 được xem là những sắc lệnh cuối cùng của người Pháp tại Việt Nam đã cho phép Tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng mở rộng phạm vi hoạt động có người Việt tham gia và được biện hộ cho cả những người không mang quốc tịch Pháp như trước đây.

Cách mạng tháng 8 thành công, Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong bản tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi mở đầu đã khẳng định lý tưởng độc lập, tự do của con người bằng trích dẫn câu nói bất hủ trong Bản tuyên ngôn độc lập của hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776 “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Chính vì quan tâm đến quyền tự do, trong đó có quyền tự do bào chữa của bị can, bị cáo mà ngay sau khi giành được độc lập, ngày 10.10.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư cũ với một số điểm sửa đổi cho thích hợp với tình hình mới, trong đó quan trọng là quy định về điều kiện công nhận luật sư. Sắc lệnh 46/SL đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành nên khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ cạch mạng. Hơn 1 năm sau, Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước Việt Nam Dân Chủ ra đời, tại Điều 67 đã thừa nhận “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Như vậy quyền bào chữa đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực tư pháp góp phần nâng cao vai trò của luật sư trong xã hội dân chủ pháp quyền. Hiến pháp năm 1959 đã thiết lập hệ thống Tòa án và Viện kiểm sát. Công tác hành chính tư pháp được giao cho Tòa án tối cao đảm nhiệm, trong đó có công tác bào chữa. Để bảo đảm quyền bào chữa của các bị cáo, năm 1963 Văn phòng luật sư thí điểm được thành lập lấy tên Văn phòng luật sư Hà Nội.

Trải qua 76 năm kể từ ngày Sắc lệnh 46/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua, đội ngũ Luật sư ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Vai trò của luật sư trong việc góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội công bằng, dân chủ văn minh ngày càng to lớn. Để đánh dấu sự kiện đáng tự hào ấy, ngày 14.01.2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10.10 hằng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.

Mượn lời bài hát “Bài ca người luật sư”, kính chúc các thầy cô, các anh chị luật sư, tập sự hành nghề luật sư và những bạn đang theo đuổi nghề luật sư luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng ngôi nhà chung luật sư và giữ vững ngọn lửa đam mê nghề nghiệp.

“Thao thức cùng trăng những điều không thể nói

Thức trắng từng đêm những việc khó gọi tên

Nghề Luật sư tôi đó, nghề tôi hát trong tim

Vì chân lý kiếm tìm, dâng niềm vui cho người

Nghề Luật sư gian khó, nghề day dứt trong tim

Vì công lý công bằng mang niềm tin cho đời"

Biên tập_Thơm Nguyễn

CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING

Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng

Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068​.683 - 0935.564.068

Chia sẻ: