Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao đông, người sử dụng lao động. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên (trừ một số trường hợp) làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Vậy người lao động có các quyền và nghĩa vụ gì trong quan hệ lao động này? Trong phạm vi bài viết dưới đây, HPT Consulting sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định Bộ Luật lao động 2019.

Mục lục:

1. Quyền của người lao động.

2. Nghĩa vụ của người lao động.

3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

4. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Quyền của người lao động.

Với chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động, khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn, Bộ Luật lao động 2019 quy định quyền của người lao động như sau:

- Được làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lượng và được hưởng phúc lợi tập thể;

- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đang của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Đình công;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trong số các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ Luật lao động 2019, quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm được xem là quan trọng nhất. Quyền này phù hợp với nhân quyền của người lao động đã được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận như Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966...Tuy nhiên, quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm của người lao động không phải là tuyệt đối và một chiều. Để được làm việc, tự do lựa chọn việc làm thì người lao động phải được sự tuyển dụng của người sử dụng lao động, phải đáp ứng các yêu cầu của người tuyển dụng lao động về vị trí, chuyên môn, kỹ năng của công việc. Quyền được hưởng lương, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cũng không kém phần quan trọng, trong điều kiện người lao động làm việc và thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết được thỏa thuận trước đó thông qua hợp đồng lao động. Các quyền còn lại cũng tương đối quan trọng, tuy nhiên xét đến cùng các quyền này nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của người lao động. 

Bộ Luật lao động 2019 có sự thay đổi quan trọng đối với quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động so với các Bộ Luật lao động trước đây. Nếu như Bộ Luật lao động 2012 quy định cụ thể các trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì đến cách tiếp cận của Bộ Luật lao động 2019 được hiểu người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần bất kỳ lý do. Tuy nhiên, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động cũng không phải tuyệt đối. Trong các trường hợp nếu người lao động sử dụng không đúng quyền này thì vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật lao động.

2. Nghĩa vụ của người lao động. 

Quyền và nghĩa vụ luôn có mối tương quan, hỗ trợ lẫn nhau. Trong quan hệ lao động cũng vậy, để được hưởng quyền, người lao động phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ sau:

- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

- Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. 

3. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động 2019. Theo đó, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần bất kỳ lý do nào. Tuy nhiên, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ về thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động. Cụ thể:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định các trường hợp người lao động không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu có căn cứ cho rằng:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật lao động 2019;

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Bộ Luật lao động;

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ Luật lao động 2019;

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ Luật lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động. 

4. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. 

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được đặt ra khi người lao động không đảm bảo đúng thời hạn báo trước được quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động 2019. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động không được trợ cấp thôi việc; phải bồi thường cho người sử dụng lao động nữa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền lương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước đồng thời phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 62 Bộ Luật lao động 2019.

Trên đây là những tư vấn của HPT Consulting liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. Các quyền và nghĩa vụ được quy định trên đây, cũng như tại Điều 5 Bộ Luật lao động 2019 là chủ yếu nhưng không phải duy nhất. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận, cam kết các quyền và nghĩa vụ khác nếu việc thỏa thuận và cam kết này không trái pháp luật, không vi phạm điều cấm hay thuần phong mỹ tục thì vẫn được chấp nhận và trở thành quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

Bộ luật lao động 2019, quyền của người lao động, nghĩa vụ của người lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động, tư vấn lao động, tư vấn luật lao động, tư vấn pháp lý lao động, tư vấn lao động cho doanh nghiệp, đơn phương chấm dứt hợp đồng

CÔNG TY TNHH HPT CONSULTING

Tầng 04 Tòa nhà EVN, Số 145 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng

Liên hệ : 0935.434.068 - 0935.068​.683 - 0935.564.068

Chia sẻ: